Giữa lúc công cuộc kháng chiến, kiến quốc của dân tộc ta ở vào
thời điểm vô cùng cam go, quyết liệt, tác phẩm “Dân vận” ra đời. Đó thực sự là
một “cẩm nang”, kịp thời chỉ dẫn một cách đầy đủ và sâu sắc cả về mục đích, đối
tượng; cả về nhiệm vụ, phương pháp, tính hiệu quả... của công tác dân vận đối
với cán bộ, đảng viên; tổ chức đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể lúc
bấy giờ.
Trước hết, “dân vận”, hiểu theo nghĩa giản dị nhất - chính là công
tác tuyên truyền và vận động nhân dân.
Về hình thức: Đây là một bài viết rất
ngắn gọn, từ đầu đề (chỉ vỏn vẹn 2 từ), đến dung lượng (chỉ có 573 từ); được
diễn đạt bằng ngôn ngữ giản dị, gần gũi với quần chúng; văn phong súc tích, có
tính khái quát cao; cùng một kết cấu mạch lạc, chặt chẽ, sáng rõ - là phong
cách hành văn vốn có của Hồ Chí Minh nên rất dễ nhớ, dễ thuộc và dễ làm theo.
Về nội dung: Giản dị, ngắn gọn mà không hề sơ lược. Tác
phẩm “Dân vận” đã gói ghém một cách đầy đủ và sâu sắc những quan điểm, tư tưởng
của Hồ Chí Minh về công tác này.
Về tầm quan trọng của công tác dân vận: Hồ
Chí Minh chỉ rõ rằng: “Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc
gì cũng thành công”. Từ đó, chúng ta hiểu: Dân vận là cái gốc, là điểm xuất
phát của mọi phong trào cách mạng của quần chúng và là sự khởi đầu của mọi
thành công. Muốn sự nghiệp cách mạng thành công, trước hết phải biết tuyên
truyền và vận động nhân dân - chính là làm tốt công tác dân vận.
Về mục đích của công tác dân vận: Cái
đích chung và cao nhất của sự nghiệp cách mạng mà Đảng ta và Hồ Chí Minh chủ
trương trước sau vẫn là “từ dân, vì dân, cho dân”. Để đạt được điều đó, phải
xây dựng cho được một nhà nước dân chủ - nhà nước mà trong đó, người dân được
thực sự làm chủ cuộc đời mình: “Bao nhiêu lợi ích đều vì dân”, “Bao nhiêu quyền
hạn đều của dân”; “... ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”; đồng
nghĩa với mọi người dân đều được sống trong một xã hội mà đời sống vật chất lẫn
văn hóa - tinh thần không ngừng được cải thiện và nâng cao. Theo đó, tuyên
truyền, vận động toàn dân để xây dựng một nền dân chủ thực sự là cái đích cao
nhất mà công tác dân vận hướng tới.
Về bản chất của công tác dân vận: Theo
Hồ Chí Minh, thực chất hay bản chất của công tác dân vận, chính là nhằm “vận
động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp
thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc
Chính phủ và đoàn thể đã giao cho...”. Nghĩa là phải tập hợp và huy động cho
được sức mạnh của toàn dân (mọi người, mọi nhà, mọi đối tượng) vào các phong
trào cách mạng.
Về lực lượng làm công tác dân vận: Chỉ
rõ ai là người làm công tác dân vận, Hồ Chí Minh viết: “Tất cả cán bộ chính
quyền, tất cả cán bộ đoàn thể và tất cả các hội viên của các tổ chức nhân dân
(Liên Việt, Việt Minh, v.v..) đều phải phụ trách dân vận”. Như vậy, lực lượng
làm công tác dân vận - theo Hồ Chí Minh - không chỉ là những người chuyên trách
công tác này, mà rất đông đảo, với nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Đó
chính là sức mạnh tập thể trong các phong trào cách mạng nói chung, trên các
mặt trận và lĩnh vực cụ thể nói riêng, trong đó có lĩnh vực dân vận.
Về cách thức, phương pháp làm công tác dân vận: Trong nội
dung này, Hồ Chí Minh tập trung chỉ rõ những phương thức, cách thức, cũng đồng
thời là các yêu cầu cụ thể của công tác dân vận. Đó là: “Phải óc nghĩ, mắt
trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.
- Óc nghĩ: Điều này được Hồ Chí Minh đặt ở vị trí hàng đầu, cho
thấy Người đặc biệt đề cao trí tuệ và yêu cầu về sự động não của người làm công
tác dân vận. Hoạt động dân vận trước hết chính là tham gia tổ chức các phong
trào cách mạng của quần chúng. Để việc tổ chức đạt hiệu quả cao, rõ ràng bên
cạnh am hiểu thực tế phải có sự hiểu biết về lý luận. Với người cán bộ dân vận,
đó là lý luận của chủ nghĩa Mác -Lê-nin, đường lối của Đảng, chính sách, pháp
luật của Nhà nước. Nắm vững lý luận và dựa trên thực tiễn để suy nghĩ ra những
phương pháp, cách thức tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục quần chúng; tức là
óc phải luôn luôn suy nghĩ để không chỉ biết đúng, sai, mà còn biết cách làm và
làm như thế nào cho đúng và đạt hiệu quả.
- Mắt trông: Là quan sát mọi sự việc, hiện tượng từ thực tiễn
phong trào cách mạng của quần chúng, để “trăm nghe không bằng một thấy”. Nhưng
không phải “nhìn” chỉ để mà nhìn. Mà phải có sự nhạy cảm, tinh tế trong việc
quan sát, từ đó kết hợp với “óc nghĩ” xác định được đúng, sai, nhận rõ bản chất
và hiện tượng của từng sự việc, từng vấn đề để làm đúng và tham mưu kịp thời
cho Đảng và Nhà nước những đề xuất, kiến nghị; từ đó có các giải pháp đúng đắn
để đưa phong trào của quần chúng đi đúng hướng. Điều này cũng gián tiếp cho
thấy, Hồ Chí Minh muốn nhắc nhở cán bộ, đảng viên làm công tác dân vận, phải
thường xuyên sâu sát cơ sở. Vì chỉ có sát cơ sở mới có thể “thấy” mọi sự việc,
vấn đề. Theo đó, muốn vận động quần chúng một cách thiết thực, muốn làm tốt vai
trò tham mưu phải “mục sở thị” được các sự việc và vấn đề liên quan đến công
tác dân vận.
- Tai nghe: Đây là một phương pháp khoa học của công tác dân vận.
Theo Hồ Chí Minh, cùng với “óc nghĩ”, “mắt trông”, người làm công tác dân
vận còn phải đồng thời nắm bắt kịp thời các thông tin từ quần chúng. Đòi hỏi
phải biết nghe dân nói, từ đó mà hiểu được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng
của dân; loại trừ những thông tin thiếu chân thực, chính xác. Nghe dân nói,
cũng là để biết dân đã hiểu gì, hiểu đến mức thế nào, đã làm như thế nào và làm
được đến đâu... làm cơ sở để báo cáo với cấp trên; còn bản thân mình cũng thấy
được những gì cần phải bổ sung, điều chỉnh khi thực thi công tác dân vận. Tuy
nhiên, để nghe đúng và chính xác, phải có thái độ khách quan và tinh thần cầu
thị khi tiếp xúc với nhân dân thì nhân dân mới tin tưởng và sẵn sàng nói ra
những suy nghĩ, nguyện vọng của mình cũng như phản ánh đúng thực trạng của cơ
sở.
- Chân đi: Chỉ có đi mới thấy, mới nghe, mới biết, và mới truyền
đạt được những điều cần tuyên truyền, vận động với dân. Đi để gần dân, sát dân,
chính là giúp người làm dân vận không xa rời và lạc hậu với thực tiễn sinh động
của cơ sở. “Chân đi” cũng là thể hiện sự xông xáo, nhiệt tình của người cán bộ,
đảng viên dân vận đối với các địa bàn làm “dân vận”. Và càng đi, người làm công
tác này càng có dịp nhìn xa trông rộng, nghe nhiều, cập nhật được những việc,
những vấn đề mới mẻ của cuộc sống; thôi thúc họ nghĩ nhiều, từ đó mà làm nhiều,
đi kịp và đáp ứng được những yêu cầu đặt ra trong công tác dân vận.
- Miệng nói: Không chỉ nghe dân nói, mà cán bộ dân vận phải biết
nói cho dân nghe. Đó là nói để dân biết, dân hiểu rõ các chính sách, chủ trương
của Đảng và Nhà nước; nói để dân hiểu được quyền lợi và thực hiện các nhiệm vụ
chính trị, kinh tế, pháp luật, văn hóa, xã hội... của mình. Để dân có thể tiếp
thu và hiểu được mà thực hiện, phải tuyên truyền bằng miệng và phải có cách nói
để có sức truyền cảm và thuyết phục, từ đó mà dân hiểu, dân tin.
- Tay làm: Nếu nói là để dân nghe, thì làm là để dân thấy, dân
tin, dân học làm theo. Đó chính là gắn “ngôn” với “hành” (lời nói đi đôi với
hành động). Đây là một yêu cầu, một phương pháp hết sức quan trọng đối với cán
bộ nói chung, cán bộ làm công tác dân vận nói riêng. Sinh thời, Hồ Chí Minh đặc
biệt quan tâm đến hai mặt của một vấn đề này. Người từng có hàng loạt bài viết,
bài nói phê phán những cán bộ, đảng viên “nói không đi đôi với làm”, “nói hay
mà làm dở” hoặc “đánh trống bỏ dùi”. Người chỉ rõ: “Cán bộ, đảng viên phải
gương mẫu, phải thiết thực, miệng nói, tay làm để làm gương cho nhân dân. Nói
hay mà không làm thì nói vô ích”. Người cũng từng nhấn mạnh rằng, nói về đạo
đức đi đôi với thực hành bằng đạo đức, coi trọng hiệu quả công việc, lấy hiệu
quả của công việc làm thước đo đạo đức: “Phải lấy kết quả thiết thực đã góp sức
bao nhiêu cho sản xuất và lãnh đạo sản xuất mà đo ý chí cách mạng của mình...”.
Người cũng từng cho rằng, sức hấp dẫn của chủ nghĩa xã hội và lòng tin của dân
đối với Đảng không phải lý tưởng cao xa mà trước hết, cụ thể và trực tiếp nhất
là ở tấm gương của những người cộng sản đang cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc với
dân, đặc biệt là những người có chức có quyền. “Dân vận không chỉ dùng báo
chương, sách vở, mít tinh, khẩu hiệu, truyền đơn, chỉ thị mà đủ. Trước hết là
phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ rằng: Việc đó là lợi
ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được”.
Cuối cùng, để phát huy hiệu quả của công tác dân vận, Hồ Chí Minh
chỉ ra những kinh nghiệm: “Bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến
và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh
địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra sức thi hành. Trong lúc thi
hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc. Khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm
tra lại công việc rút ra kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng”. Điều này thật
thấm thía! Vì cũng theo Hồ Chí Minh: “Mục đích có đồng, chí mới đồng; chí có
đồng, tâm mới đồng, tâm đã đồng lại phải biết cách làm, thì làm mới chóng”. Đó
chính là khẩu hiệu “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” mà ngày nay chúng
ta thường đề cập.
Như vậy, từ “đi” đến “nhìn”, từ “nghe” đến “nghĩ” và từ “nói” đến
“làm” là những công việc liên hoàn của người cán bộ, đảng viên và các tổ chức
làm công tác dân vận. Và đó cũng là phẩm chất và hành động tự nhiên của người
làm công tác này.
TẠI HUYỆN THỐNG NHẤT: Kỷ niệm 89 năm Ngày Truyền
thống dân vận của Đảng năm nay, Ban
Thường vụ Huyện ủy Thống Nhất đã ban hành kế hoạch số 176-KH/HU về tổ
chức họp mặt kỷ niệm 20 năm “Ngày dân vận cả
nước”; 89 năm ngày truyền thống công tác dân vận của Đảng, đồng
thời sơ kết Chỉ thị số 30 - CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, giai đoạn 2018-2019; phát động phong trào thi đua chào mừng Đại hội Đảng bộ
các cấp. Theo đó, nội dung hoạt động chủ yếu gồm:
- Giao
cho các cơ quan, đơn vị và UBND các xã tổ chức các hoạt động tuyên truyền, văn hóa-văn nghệ, thể dục- thể thao gắn với tuyên truyền kết quả xây dựng nông thôn mới, thực
hiện các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh... đẩy mạnh phong trào thi đua ”Dân vận khéo”; xây
dựng kế hoạch và đăng ký các công trình (hoặc việc làm) chào mừng Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biêu toàn quốc lần thứ XIII
cúa Đảng.
- Tổ chức lễ ra quân làm công tác dân vận, đồng loạt ra quân dọn dẹp vệ sinh môi trường, trồng cây
xanh, xây dựng các tuyến dường sáng-xanh-sạch đẹp... tại các địa phương, cơ quan, đơn vị; vận động và xây tặng nhà tình thương, tặng quà gia đình
chính sách, hộ nghèo, tặng học bổng cho các em học sinh nghèo hiếu học; cấp phát thuốc và
chữa bệnh miễn phí... Phối hợp bệnh viện 7A tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người dân có
hoàn cảnh khó khăn tại 3 xã (Hưng Lộc, Bàu Hàm 2, Quang Trung), thị trấn Dầu
Giây và nữ cán bộ công chức, viên chức, người lao động công tác tại các cơ
quan, ban ngành của huyện (300 người).
- Tổ
chức họp mặt gắn tổ chức hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chi thị số 30-CT/TU
của Tỉnh ủy, giai đoạn 2018-2019; Lễ phát động phong trào thi đua chào mừng Đại
hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Thời gian vào ngày 11/10/2019
(Thứ Sáu).
Ban Biên tập Trang TTĐT huyện (Tổng hợp)