Thời gian qua, sản xuất nông nghiệp tăng trưởng cao, tái
cơ cấu ngành chuyển dịch theo hướng gia tăng giá trị, liên kết sản xuất theo
chuỗi giá trị. Qua đó, nông nghiệp huyện Thống Nhất đang có những bước đi vững
chắc, tạo lợi thế tốt nhất để đẩy mạnh hội nhập.
Khâu đột phá quan trọng trong xây dựng Nông thôn mới
Huyện Thống Nhất được biết
đến là huyện thuần nông, là thủ phủ chăn nuôi lớn nhất cả nước, vì vậy cấp ủy,
chính quyền địa phương xác định tái cơ cấu ngành nông nghiệp chính là khâu đột
phá quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế tại địa phương này. Trong thời
gian qua, các cấp ủy, chính quyền đã tập trung thực hiện tốt quy hoạch phát triển
sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đẩy
mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo hướng tăng năng
suất, chất lượng, giá trị, trên cơ sở ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ
tiên tiến và đẩy nhanh thực hiện có hiệu quả chuỗi sản xuất – chế biến – tiêu
thụ; đồng thời thực hiện tốt chương trình nông thôn mới theo đúng kế hoạch đề
ra, đáp ứng yêu cầu hội nhập.
Theo báo cáo mới nhất
UBND huyện Thống Nhất hiện nay tổng sản phẩm
thu hoạch bình quân trên một ha đất trồng trọt và nuôi trồng thủy sản đạt 128,4
triệu đồng, tăng 40,1 triệu đồng/ha so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân
7,79%/năm. Trong giai đoạn 2015-2020 ngành nông nghiệp đã có những bước phát triển
tích cực như: tỷ lệ sử dụng giống mới trong trồng trọt và chăn nuôi bình quân
trên 90%; từng bước hình thành các loại hình kinh tế tập thể hiệu quả hơn gắn với
liên kết từ khâu sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; tăng trưởng bình quân giai đoạn
2015-2020 đạt 2,51%/năm.

Phó chủ tịch UBND huyện Nguyễn Đình Cương trao giấy chứng nhận GLOBALG.A.P cho 7 hộ trồng tiêu xã Gia Kiệm
Theo ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng
phòng NN&PTNT huyện cho biết: Hiện nay, trên địa bàn
huyện Thống Nhất có 6 vùng sản xuất tập trung với tổng diện tích gần 11 ngàn
hécta gồm các vùng chuyên canh như: rau, củ, quả các loại (xã Lộ 25, Gia Kiệm,
Gia Tân 3, Gia Tân 2); vùng trồng hoa (xã Quang Trung, Gia Tân 3); chôm chôm
(Quang Trung, Bàu Hàm 2, Hưng Lộc); Bưởi (Hưng Lộc, Xuân Thiện); Thanh Long
(Hưng Lộc); cây tiêu (Gia Kiệm, Gia Tân 3); bắp (Lộ 25)…
Riêng đối với ngành chăn nuôi trong
05 năm qua có những bước đột phá huyện cũng đã quy hoạch 20 khu chăn nuôi tập
trung, tổng diện tích trên 2,4 ngàn hécta; tổng đàn gia súc, gia cầm theo hình
thức trang trại năm 2015 chiếm 30%, đến năm 2019 chăn nuôi
trang trại chiếm 65% tổng đàn (910 trang trại). Đã quy hoạch 7 điểm giết mổ tập
trung và đã đưa vào hoạt động với công suất giết mổ trên 1.000 con gia súc, gia
cầm ngày/đêm.
Ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất
Việc ứng dụng công nghệ mới
vào sản xuất nông nghiệp đang là hướng đi tất yếu hiện nay. Nắm bắt xu thế
trên, những năm qua, các cấp ủy, chính quyền huyện Thống Nhất quan tâm thực hiện
việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần nâng
cao năng suất, chất lượng sản phẩm, nâng cao thu nhập cho bà con nông dân.
Bà Hà Thị Linh Thúy, Chủ tịch
Hội Nông dân huyện cho biết: thực hiện theo Nghị quyết của Huyện ủy về phát triển
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012-2020 và tầm nhìn đến năm
2030, huyện Thống Nhất triển khai thực hiện nhiều chương trình, kế hoạch nhằm từng
bước hình thành và phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ
cao. Từ đó hướng đến sản xuất theo mô hình nông nghiệp an toàn và chất lượng,
truy nguyên được nguồn gốc, xuất xứ, liên kết chặt chẽ với thị trường tiêu thụ
sản phẩm. Qua việc triển khai đã hình thành các chuỗi liên kết sản xuất, tiêu
thụ nông sản an toàn; các mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao,
các vùng chuyên canh cây ăn trái…

Nhiều mô hình liên kết trồng trọt mang lại hiệu quả
Được biết đến nay huyện đã
có 23 trang trại kín (lạnh); số trang trại, hộ áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP
là 319 hộ (12 trang trại VietGap; 307 hộ chăn nuôi nhỏ lẻ). 664/891 trang trại
có hệ thống xử lý chất thải bằng bioga, chiếm tỷ lệ 74,5%. Đa số trang trại
nuôi gà đều sử dụng đệm lót sinh học. Nhờ ứng dụng của công tác lai tạo giống
heo đã cho ra heo lai có tỷ lệ thịt nạc cao, tỷ lệ thịt xẻ từ 60-75%.
Mục tiêu chung của huyện trong thời gian tới là tiếp tục phát
triển toàn diện ngành Nông nghiệp theo hướng hiện đại, hội nhập, thích ứng với
biến đổi khí hậu, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây
dựng nông thôn mới; cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân, góp phần giảm
nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái và bảo đảm an ninh quốc phòng. Đặc biệt, huyện
tiếp tục triển khai mạnh mẽ, đồng bộ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng
nông thôn mới, năm 2015 huyện đạt chuẩn nông thôn mới và đến nay 05/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao: xã Hưng Lộc,
Bàu Hàm 2, Gia Tân 2, Xuân Thiện và Quang Trung; dự kiến năm 2020 hoàn thành 05
khu dân cư kiểu mẫu tại 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Minh Nguyên