ĐỀ
CƯƠNG TUYÊN TRUYỀN
Kỷ niệm
80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa
(23/11/1940
- 23/11/2020)
-----
I. BỐI
CẢNH LỊCH SỬ, DIỄN BIẾN, KẾT QUẢ CUỘC KHỞI NGHĨA NAM KỲ
1. Bối cảnh lịch sử
Tháng 9/1939, Chiến
tranh thế giới lần thứ II bùng nổ. Tháng 6/1940, Pháp đầu hàng
phát xít Đức. Lợi dụng cơ hội này, cuối tháng 9/1940, phát xít Nhật kéo quân
vào Đông Dương, từ đây nhân dân ta lâm vào tình thế “một cổ hai tròng”. Tháng
11/1940, bọn quân phiệt Thái Lan theo lệnh phát xít Nhật tiến đánh Campuchia.
Thực dân Pháp bắt lính Nam Bộ ra trận làm bia đỡ đạn cho chúng. Căm thù thực
dân Pháp và được cổ vũ bởi tiếng súng khởi nghĩa Bắc Sơn, nhân dân Nam Bộ sục
sôi tranh đấu.
Hội nghị Ban
Chấp hành Trung ương Ðảng lần
thứ Bảy (khóa I) từ ngày 06 đến ngày 08/11/1939 tại Bà Ðiểm (Hóc Môn, Gia
Ðịnh) nhận định: Nhật sẽ xâm chiếm
Đông Dương và Pháp sẽ đầu hàng Nhật, cách mạng Đông Dương sẽ bùng nổ; do vậy,
phải đoàn kết thực hiện bằng được nhiệm vụ chính cốt là đánh đổ đế quốc, giải
phóng dân tộc; chủ trương thành lập Mặt trận Thống nhất dân tộc phản đế Đông
Dương, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp, giai cấp, dân tộc và các cá nhân yêu nước.
Tinh thần Nghị
quyết đã sớm đi vào đảng viên, quần chúng. Phong trào cách mạng ở
Nam Kỳ ngày càng phát triển mạnh mẽ, liên tiếp diễn ra nhiều cuộc mít tinh, biểu
tình, đấu tranh. Đặc biệt là các cuộc đấu tranh chống bắt lính diễn ra mạnh mẽ
kể từ khi thực dân Pháp bắt thêm lính Việt Nam đem sang chiến trường biên giới
Ai Lao (Lào) - Cao Miên (Campuchia) để chống Xiêm (Thái Lan). Khí
thế chiến đấu diễn ra hầu khắp Nam Kỳ, đặc biệt là ở Mỹ Tho, Vĩnh Long, Long
Xuyên, Chợ Lớn, Gia Định, Tân An, Vũng Tàu, Trà Vinh...
Trên cơ sở đó, tháng
3/1940, Ban Thường vụ Xứ ủy Nam Kỳ do đồng chí Võ Văn Tần làm Bí thư thảo ra Đề cương chuẩn bị bạo động. Từ tháng 7
đến tháng 10/1940, Ðảng bộ Nam Kỳ liên tiếp tổ chức nhiều cuộc họp để bàn chủ
trương và gấp rút lãnh đạo nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, thông qua Đề cương; chủ trương thành lập Ban Chỉ
huy và Ban Quân sự các cấp; xác định hình thức chính quyền, quốc kỳ, khẩu hiệu;
vạch các chính sách đối với nhân dân…
Ðến giữa tháng 11/1940, trước tinh
thần đấu tranh của quần chúng, đặc biệt là tinh thần phản chiến của binh lính
Việt Nam trong quân đội Pháp, Xứ ủy Nam Kỳ quyết định phát động toàn Nam
Kỳ nổi dậy đánh đổ chính quyền thuộc địa, giành chính quyền về tay nhân dân. Ngày
21/11/1940, Thường vụ Xứ ủy ra thông báo cho các cấp bộ Đảng nhất loạt phát
động nhân dân nổi dậy vào lúc 24 giờ ngày 22/11/1940. Thời điểm hành động nhất loạt ở các tỉnh Nam Kỳ là lúc 0
giờ, ngày 22, rạng 23/11/1940, hiệu lệnh là đèn Sài Gòn tắt hoặc có tiếng súng
nổ.
Hội nghị Trung ương Ðảng họp tại Ðình Bảng (Bắc Ninh) từ
ngày 6 đến 09/11/1940 nhận định
điều kiện khởi nghĩa ở Nam Kỳ và trong cả nước chưa chín muồi, đề nghị Xứ ủy Nam
Kỳ chưa nên phát động khởi nghĩa. Trung ương phái đồng chí Phan Đăng Lưu trở
về truyền đạt quyết định của Trung ương cho Xứ ủy Nam Kỳ. Nhưng khi đồng chí
Phan Ðăng Lưu về tới Sài Gòn thì lệnh khởi nghĩa đã ban hành tới các địa phương
không thể thu hồi; một số cán bộ chủ chốt của Xứ ủy đã bị địch bắt, Cuộc khởi
nghĩa vẫn nổ ra theo kế hoạch.
2. Diễn biến, kết quả Cuộc khởi nghĩa
Chỉ trong một thời gian
ngắn kể từ khi Thường vụ Xứ ủy ra Đề cương chuẩn bị bạo động (tháng 3/1940), công tác chuẩn bị khởi nghĩa
được triển khai rất khẩn trương; các tổ chức phản đế xuất hiện nhiều nơi, nhất
là ở vùng nông thôn. Mít tinh, biểu tình liên
tiếp nổ ra. Nhiều nơi địch đến đánh phá, nhân dân nổi trống mõ, uy hiếp địch, bảo vệ cán bộ. Các đội tự vệ, du kích phát triển
ngay trong những xí nghiệp lớn ở Sài Gòn như Ba Son, nhà máy đèn Chợ Quán, trường Bách Nghệ... Ở nông thôn, phần lớn
các xã đều có từ một tiểu đội đến một trung đội du kích. Các cơ sở sản xuất vũ khí làm việc suốt
ngày đêm. Nhân dân quyên góp kim khí để đúc đạn; xuất hiện những cơ sở làm bom, lựu đạn xi măng, súng thô
sơ ở Móp Xanh (Tân An), Bà U (Mỹ Tho), chùa Hòa Thượng Đồng (Rạch Giá)… Phong trào chống chiến tranh, chống bắt
lính với khẩu hiệu “không một đồng xu, không một người lính cho đế quốc chiến
tranh” ngày càng lan rộng. Công
tác binh vận được tổ chức ráo riết, phần lớn trong số 15.000 binh lính người
Việt trong quân đội Pháp đóng ở Sài Gòn sẵn sàng phối hợp nổi dậy.
Tuy nhiên, vì kế hoạch
khởi nghĩa bị địch biết trước nên chúng lùng sục
bắt bớ, giữ binh lính người Việt ở trong trại, tước vũ khí của binh lính phản
chiến. Dù vậy, cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ vẫn diễn ra theo đúng kế
hoạch vào đêm 22 rạng sáng 23/11/1940.
Khởi nghĩa bùng nổ đồng
loạt tại hầu hết các tỉnh Nam Kỳ với tinh thần quyết liệt, mạnh nhất là ở Gia Ðịnh, Chợ Lớn, Mỹ
Tho, Vĩnh Long... Lực lượng vũ trang và quần chúng đã nổi dậy tiến công địch ở
các xã, tập kích nhiều đồn bốt, tiến đánh một số quận lỵ, phá hỏng nhiều cầu,
đường... Tại một số xã, quận, chính quyền địch hoang mang, tan rã,
chính quyền cách mạng được thành lập. Lần đầu tiên cờ đỏ sao vàng xuất hiện ở những nơi
đã thành lập chính quyền cách mạng và trong nhiều cuộc biểu tình. Bọn phản cách mạng bị xét xử. Ruộng,
thóc của địa chủ phản động được chia cho dân cày nghèo.
Ở
Hóc Môn, dưới sự chỉ huy của đồng chí Mười Đen - Xứ ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, quân
du kích và hàng nghìn đồng bào kéo đến vây công đồn, chặn đánh địch tiếp viện ở
Cầu Bông, giết chết tên Chánh xứ tỉnh Tây Ninh, thu được hơn chục súng trường.
Do quân của địch kéo đến nhiều, du kích không chiếm được đồn, tạm rút lên
Truông Mít, Tây Ninh.
Tại Chợ Lớn, du kích tập trung ở
Đức Hòa, Trung Quận, Cần Giuộc, mỗi nơi khoảng 400 đến 500 người. Ở Đức Hòa,
quân du kích đánh tan toán lính địch tại Giồng Đa, giết chết tên đầu sỏ phản
động. Tại Trung Quận, du kích cùng nhân dân diệt tề, trừ gian, lập chính quyền
cách mạng ở các xã dọc hai bên đường xe lửa. Ở Bến Lức, quân du kích dùng mưu
dụ lính ra khỏi đồn, xông vào chiếm đồn lấy súng. Tại Cần Giuộc, du kích do
đồng chí Nguyễn Thị Bẩy, Tỉnh ủy viên chỉ huy, cùng Nhân dân đánh chiếm trụ sở hội
tề, tịch thu sổ sách, bằng triện, lập chính quyền cách mạng ở các xã Phước Lai,
Phước Vĩnh Đông, Tân Lập, Long Hậu,
Long Đức.
Tại Vĩnh
Long, quân
du kích Vũng Liêm đánh chiếm quận lỵ, công đồn. Quân địch hoảng sợ bỏ chạy, nghĩa
quân lập Ủy ban cách mạng và giữ được đồn trong ba ngày.
Tại Tân An và Mỹ Tho, các xã thuộc hữu
ngạn sông Vàm Cỏ Đông và hai bên bờ sông Vàm Cỏ Tây, chính quyền đều về tay nhân
dân. Hàng nghìn du kích dưới sự lãnh đạo của Bí thư Tỉnh uỷ Mỹ Tho đã tiến đánh
nhiều nơi, mở rộng vùng giải phóng. Chỉ tính riêng hai quận Châu Thành và Cai
Lậy, ta đã giải phóng được 54/56 xã. Lo sợ trước phong trào nổi dậy ở Mỹ Tho, ngày 14/12/1940 địch phải dùng thủy,
lục, không quân tiến công nhưng mãi đến 14/01/1941 chúng mới chiếm lại được các
đồn, bốt. Trong tình thế đó, quân du kích tạm
rút vào Đồng Tháp Mười. Mỹ Tho là nơi giữ được chính quyền lâu nhất.
Ngay từ khi được tin Nam
Kỳ khởi nghĩa, Ban Thường vụ Trung ương Đảng đã ra thông báo khẩn cấp, chỉ thị
cho các địa phương “chia lửa” với Nam Kỳ. Từ việc rải truyền đơn, bãi khóa, bãi
thị đến việc phát động du kích, nếu có điều kiện phá đường, cầu cống ngăn quân
thù đàn áp. Nhưng thực dân Pháp khủng bố khốc liệt, càn quét
các vùng khởi nghĩa, tiêu diệt chính quyền
cách mạng, cho máy bay dội bom xuống làng mạc, thôn xóm. Tính từ ngày 22/11 đến ngày 31/12/1940, thực dân Pháp gây ra hơn
5.000 vụ bắt bớ; hàng ngàn người bị xử tử, tù đày, tra tấn vô cùng tàn bạo.
Tháng 12/1940, Xứ ủy Nam
Kỳ họp ở Bà Quẹo (Gia Định) quyết định rút lui cuộc khởi nghĩa để tránh tổn thất,
đưa lực lượng còn lại xây dựng căn cứ U Minh và Đồng Tháp Mười.
Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
bị dập tắt. Thực dân Pháp nhân cơ hội này xử bắn nhiều đồng chí cán bộ kiên
trung của Ðảng bị bắt từ trước khởi nghĩa, như: Nguyễn Văn Cừ, Hà Huy Tập,
Nguyễn Thị Minh Khai, Võ Văn Tần, Nguyễn Hữu Tiến, Phan Ðăng Lưu...
3. Nhân dân Biên Hòa (Đồng Nai) trong phong trào Nam kỳ khởi nghĩa
Ngày 01/9/1939, Chiến
tranh thế giới lần thứ II bùng nổ, thực dân Pháp lộ nguyên hình phát xít tàn bạo.
Chúng cấu kết với bọn phát xít Đức, Nhật thẳng tay đàn áp các nước thuộc địa.
Chúng ban bố lệnh tổng động viên, tăng cường vơ vét sức người, sức của để phục
vụ cho chiến tranh đế quốc.
Ngày 28/9/1939, Phủ
toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giải tán và tịch thu tài sản của các tổ chức
ái hữu, các nghiệp đoàn, mở đầu cuộc khủng bố ác liệt.
Ngày 04/01/1940,
tên toàn quyền Catơru (Catroux) công khai tuyên bố: “Chúng ta đánh toàn diện và
mau lẹ vào các tổ chức cộng sản. Trong cuộc đấu tranh này phải tiêu diệt cộng sản
thì xứ Đông Dương mới được yên ổn và mới trung thành với nước Pháp. Chúng ta
không có quyền không thắng, tình thế chiến tranh buộc chúng ta hành động không
một chút thương tiếc”.
Ở Biên Hòa, tên
Chánh Tham biện tỉnh cũng ra hàng loạt nghị định cấm mọi hoạt động có tính chất
chính trị mà chúng cho là có liên hệ với cộng sản và cả những tổ chức dân chủ của
quần chúng như đại lý báo Dân Chúng, tổ đọc báo, Hội ái hữu, tương tế v.v...
cũng bị giải tán.
Đến cuối năm 1939,
thực dân Pháp tiến hành khủng bố trắng, bắt nhiều cán bộ của Đảng giam ở các
nhà tù trong và ngoài tỉnh. Chúng đàn áp. Bắt bớ cả những quần chúng tiến bộ,
những người phụ trách quản trị các Hội, đoàn ái hữu, tịch thu tiền bạc, tài sản
của hội và gia đình họ, đe dọa quần chúng để tống tiền, gây hoang mang chia rẽ
trong dân như bắt giam người này, thả người kia và buộc quần chúng phải nhận là
bị cộng sản ép buộc.
Mặt khác, chúng tổ
chức người chui vào các tôn giáo như Cao Đài, Thiên Chúa... để lừa mị dân
chúng, xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng.
Ở khu vực miền
núi, các đồn điền cao su, chúng mua chuộc, sử dụng lực lượng binh lính người
dân tộc thiểu số và bọn mật thám đưa vào tận các buôn, sóc, các phân sở rình rập,
bắt bớ cán bộ cách mạng hoạt động tại đây.
Ngoài khám đường
Biên Hòa đã có từ trước, địch còn lập ra các trại tập trung Bà Rá, Tà Lài mà
chúng gọi là “căng của những người lao động đặc biệt”, để giam giữ những cán bộ,
đảng viên Cộng sản và những người yêu nước chống phát xít ở Nam bộ.
Ở Biên Hòa, thực
dân Pháp và bọn tay sai tập trung lực lượng đánh phá ác liệt các xã Bình Ý, Tân
Triều, Bình Phước... Những địa phương này chúng gọi là những “làng đỏ”. Hơn 200
dân xã Bình Ý, trong đó có những người lãnh đạo các ủy ban hành động bị bắt về
giam giữ tại khám lớn Biên Hòa.
Để phục vụ cho việc
phòng thủ, vơ vét sức người, sức của cung ứng cho cuộc chiến tranh đế quốc, thực
dân Pháp thực hiện lệnh tổng động viên tuyển mộ lính, kéo dài thời hạn tại ngũ
những người đã mãn hạn; đồng thời, tăng cường bắt nhân dân lao động, xây dựng
thêm đường sá, cầu cống, mở rộng sân bay Tân Phong, trường bắn Bình Ý, lập xưởng
sửa chữa máy bay...
Địch tăng cường vơ
vét bóc lột bằng các hình thức dã man nhất, tất cả các sắc thuế đều tăng, đặt
ra nhiều loại thuế mới như “đảm phụ quốc phòng”, “quốc trái”..., ra lệnh sung
công, truy thu, trưng dụng các phương tiện vận tải hàng hóa của tư nhân nhằm thực
hiện chính sách kinh tế thời chiến mà chúng gọi là “kinh tế chỉ huy”. Đời sống nhân
dân Biên Hòa ngày càng bị bần cùng hóa.
Thực hiện chủ
trương của Trung ương Đảng và Xứ ủy Nam Kỳ về chuyển hướng công tác tổ chức và
đấu tranh cho phù hợp với tình hình mới, từ cuối năm 1939, Tỉnh ủy Biên Hòa đã
có kế hoạch đưa các tổ chức, cán bộ hoạt động công khai vào bí mật, hoạt động
dưới hình thức bán hợp pháp và bí mật. Các đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa, Phạm Văn
Khoai, Phạm Văn Thuận, Hồ Văn Đại... tạm lánh về các địa phương khác để tránh địch
khủng bố, bắt bớ, tiếp tục hoạt động cách mạng. Riêng đồng chí Nguyễn Văn Nghĩa
bị địch bắt và đày lên căng Bà Rá.
Các đồng chí trong
Tỉnh ủy lâm thời như: Lê Văn Tôn, Huỳnh Văn Phan, Huỳnh Liễng, Nguyễn Hồng Kỳ,
Trần Minh Triết... rút vào hoạt động bí mật ở rừng Tân Uyên. Tại đây các đồng
chí đã xây dựng được một đội võ trang 35 người do đồng chí Huỳnh Liễng chỉ huy.
Lực lượng này chính là tiền thân của lực lượng vũ trang tỉnh Biên Hòa do Đảng
ta tổ chức và lãnh đạo.
Tháng 7 năm 1940,
Xứ ủy Nam kỳ triệu tập Hội nghị mở rộng tại xã Tân Lương (tỉnh Mỹ Tho). Sau nhiều
ngày thảo luận, Hội nghị đi đến nhất trí thông qua chủ trương, kế hoạch khởi
nghĩa và thành lập ban quân sự các cấp. Hội nghị cũng đã bầu ra Xứ ủy mới do đồng
chí Tạ Uyên làm Bí thư và cử đồng chí Phan Đăng Lưu ra miền Bắc dự hội nghị
Trung ương Đảng lần thứ 7 (tháng 11/1940) và xin chỉ thị của Trung ương về chủ
trương khởi nghĩa.
Tháng 9 năm 1940, Xứ ủy tiếp tục mở hội nghị tại xã Tân Xuân, Hóc Môn, Gia
Định để quyết định một số vấn đề về công tác trọng yếu. Trao cho Thường vụ Xứ ủy
quyền ra lệnh khởi nghĩa, quyết định mẫu cờ lá nền đỏ, ở giữa ngôi sao vùng năm
cánh.
Ngày 20/11/1940, lệnh
khởi nghĩa được gởi đi các nơi quyết định toàn Xứ khởi nghĩa vào đêm
22/11/1940. Trong lúc đó đồng chí Phan Đăng Lưu sau khi dự hội nghị lần thứ 7,
mang chỉ thị của Trương ương hoãn cuộc khởi nghĩa vừa về đến Sài Gòn, thì lệnh
khởi nghĩa của Thường vụ Xứ ủy đã xuống tận cơ sở không thể hoãn được nữa.
Ở Biên Hòa, công
tác chuẩn bị khởi nghĩa được tiến hành khẩn trương, sôi nổi nhất là ở một số
nơi thuộc Tân Uyên và Châu Thành, các đồng chí trong Tỉnh ủy và một số đảng
viên khác len lỏi về các quận, các xã chỉ đạo các chi bộ, các cơ sở cốt cán ở địa
phương chuẩn bị lực lượng phát động quần chúng khởi nghĩa.
Do kế hoạch khởi
nghĩa bị lộ ngay từ đầu nên sáng ngày 24/11/1940, địch bao vây các địa điểm chuẩn
bị khởi nghĩa, các đồng chí trong Tỉnh ủy như: Lê Văn Tôn, Nguyễn Hồng Kỳ bị địch
bắt đày đi Côn Đảo. Đồng chí Huỳnh Liễng hy sinh ở Lạc An. Nhiều đồng chí cán bộ
đảng viên khác cũng bị địch bắt đem giam giữ các căng Bà Rá, Tà Lài. Đồng chí
Nguyễn Vạn Quỳ (Chín Quỳ) đưa đội vũ trang rút vào rừng hoạt động và tồn tại
cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
Mặc dù đã bị lộ
nhưng cuộc khởi nghĩa ngày 23/11/1940, công nhân Nhà máy cưa BIF (Biên Hòa)
treo một lá cờ búa liềm trên dây điện của Palăng trục gỗ. Tuy phát hiện được từ
sáng sớm nhưng mãi hơn 09 giờ sáng bọn chủ mới dám cho thợ điện trèo lên gỡ lá
cờ xuống. Một lá cờ búa liềm khác cũng được treo trên cây cao ở ngay ngã ba máy
cưa đã tạo nên niềm phấn khởi cho công nhân nhà máy và dân chúng quanh vùng.
Cũng trong khoảng
thời gian này hàng trăm truyền đơn kêu gọi ủng hộ Liên bang Xô Viết, ủng hộ
cách mạng Pháp, phản đối cuộc chiến tranh Pháp - Xiêm, phản đối sự tàn bạo da
man của bọn thực dân phát xít được rải nhiều nơi ở Biên Hòa.
Ngày 29/12/1940,
hơn 2000 công nhân cao su ở các xã Cam Tiêm, Cuộc - Tơ - Nay tiến hành bãi
công, đấu tranh đòi ngày làm 08 giờ, được nghỉ ngày chủ nhật, hủy bỏ chế độ lao
động chiều thứ bảy hàng tuần. Thực dân Pháp điều một trung đội lính do tên
thanh tra công ty Đất Đỏ, mà công nhân gọi miệt thị là tên “Tây đầu đỏ” chỉ
huy, xuống đàn áp. Chúng dã man xả súng bắn bừa bãi vào công nhân, làm chết, bị
thương hàng chục người và bắt đi hơn 100 người khác.
Cuộc khởi nghĩa
không thành công, địch thẳng tay chém giết, đốt nhà, bắt hàng loạt người không
kể là đảng viên hay quần chúng, đánh đập rất tàn nhẫn kể cả ông già, phụ nữ.
Chúng tung mật thám chỉ điểm rình rập mọi nơi, chỗ nào chúng tình nghi có cộng
sản thì lập tức đưa lính tới đàn áp, bắt bớ, chém giết, gây nên tình hình căng
thẳng trong tỉnh suốt ngày đêm và kéo dài trong nhiều tháng. Kẻ thù ra sức khủng
bố rất ác liệt, nhưng chúng không thể nào dập tắt được phong trào cách mạng đã
được nhen nhóm gây dựng trong lòng quần chúng yêu nước. Nhân dân Biên Hòa vững
vàng tiếp bước đấu tranh.
II. Ý NGHĨA LỊCH SỬ VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM
1. Ý nghĩa lịch sử
Diễn ra trong một thời
gian ngắn nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ là cuộc khởi nghĩa vũ trang có phạm vi rộng
nhất và mức độ quyết liệt nhất kể từ khi thực dân Pháp xâm chiếm lục tỉnh Nam
Kỳ năm 1867 đến thời điểm đó. Tuy thất bại nhưng khởi nghĩa Nam Kỳ có ý nghĩa lịch sử sâu sắc đối
với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Nhân dân ta:
- Cùng với khởi nghĩa
Bắc Sơn, khởi nghĩa Nam Kỳ “là những tiếng súng báo hiệu cho cuộc khởi nghĩa
toàn quốc, là bước đầu tranh đấu bằng võ lực của các dân tộc ở một nước Ðông
Dương”. Cuộc khởi nghĩa đã thể hiện sức
mạnh quật khởi, lòng tin tưởng và sẵn sàng hy sinh của nhân dân các tỉnh Nam Bộ
trong cuộc đấu tranh giành tự do, độc lập dưới sự lãnh đạo của Ðảng. Chính vì
lẽ đó, ngày 14/11/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh 163-SL tặng thưởng
Huân chương Quân công hạng nhất cho Đội quân khởi nghĩa Nam Bộ năm 1940. Đó là
sự khắc ghi của dân tộc đối với công lao và sự hy sinh của quân và dân Nam Kỳ.
- Từ cuộc khởi nghĩa Nam
Kỳ, nhiều cán bộ của Đảng được rèn luyện, thử thách. Sau khởi nghĩa, một đội
ngũ cán bộ, đảng viên trung thành với lý tưởng của Ðảng, gương mẫu chiến đấu hy
sinh vì quyền lợi của dân tộc, của nhân dân đã trưởng thành và đảm đương những
trọng trách mà Đảng ta giao phó về sau. Từ đây, có hàng vạn quần chúng nhân dân
yêu nước được thử thách trong đấu tranh, tiếp tục đi theo Ðảng thực hiện
cách mạng giải phóng dân tộc tiến tới giành thắng lợi Cách mạng Tháng Tám 1945.
- Cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ
mang tính chất một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, tính nhân dân rộng rãi và
sâu sắc. Đó là minh chứng sinh động cho chủ trương đặt nhiệm vụ giải phóng dân
tộc lên hàng đầu của Ðảng với phương pháp đấu tranh vũ lực là hoàn toàn đúng
đắn và sáng tạo. Ðồng thời, khởi nghĩa Nam Kỳ cũng là cơ sở thực tiễn để Đảng ta
hoàn thiện con đường chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. Từ kinh
nghiệm các cuộc khởi nghĩa ở Bắc Sơn, Nam Kỳ, binh biến Ðô Lương, Đảng đã có
những bước đi cẩn trọng, chu đáo trong đánh giá, xác định thời cơ, chuẩn bị lực
lượng... đi tới giải phóng toàn dân tộc.
- Với cuộc khởi nghĩa
Nam Kỳ, từ trong quá trình chuẩn bị và diễn ra, lần đầu thiết chế “Chính phủ
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa” được đề cập trong truyền đơn rải ở thành phố Sài Gòn
- Chợ Lớn và tiêu ngữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quốc” được viết trên các băng rôn
treo trước trụ sở các ủy ban cách mạng ở Long Hưng, Vĩnh Kim (Mỹ Tho). Lá cờ đỏ
sao vàng năm cánh xuất hiện trong khởi nghĩa Nam Kỳ đã trở thành biểu tượng của
khối đại đoàn kết toàn dân, biểu tượng của tinh thần và ý chí đấu tranh cách
mạng của nhân dân. Cờ đỏ sao vàng năm cánh sau đó đã được Ðảng và lãnh tụ
Nguyễn Ái Quốc chọn làm biểu tượng của Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh và
đến ngày 09/11/1946 được ghi chính thức trong Hiến pháp, thông qua tại Kỳ họp thứ
Hai Quốc hội (khóa I).
2. Bài học kinh nghiệm
Khởi nghĩa Nam Kỳ là thực tiễn sinh động về phong trào
đấu tranh cách mạng của nhân dân và để lại những bài học quý báu, đó là:
Một là, bài
học về cụ thể hóa đường lối của Đảng phù hợp với thực tiễn địa phương, phải đặt
địa phương trong mối tương quan với cả nước và có sự phối hợp khởi nghĩa giữa
các địa phương trong cả nước. Một trong những nguyên nhân thất bại của cuộc khởi
nghĩa Nam Kỳ là vì chưa được đặt trong sức mạnh chung của toàn quốc.
Hai là, bài
học về công tác chuẩn bị các điều kiện cần
và đủ cho một cuộc khởi nghĩa nổ ra
có thể giành được thắng lợi, đặc biệt là chuẩn bị về lực lượng chính trị, xây dựng
lực lượng vũ trang và khởi nghĩa vũ trang, chiến tranh du kích, xây dựng và kiểm
tra kế hoạch, phát hiệu lệnh khởi nghĩa.
Ba là, bài
học về xây dựng đội quân chủ lực, xác định rõ các lực lượng phối hợp của cuộc
khởi nghĩa và đánh giá đúng vai trò của các lực lượng. Lực lượng vũ trang của
binh lính là quan trọng nhưng quyết định vẫn là quần chúng công nông.
Bốn là, bài học
về việc giữ vững sự gắn bó máu thịt giữa Đảng và quần chúng; không ngừng xây dựng
lực lượng cách mạng trong quần chúng; khơi dậy và nhân lên sức mạnh vĩ đại từ sự
đồng tâm, hiệp lực của quần chúng.
Năm là, bài
học về tính khoa học của kế hoạch lãnh đạo khi tiến công và thoái thủ; dự trù
các phương án thắng - thua và khả năng giải quyết nếu khởi nghĩa thất bại; kế
hoạch rút lui bảo toàn cơ sở và lực lượng.
III. PHÁT HUY TINH THẦN NAM KỲ KHỞI NGHĨA TRONG CÔNG CUỘC
XÂY DỰNG QUÊ HƯƠNG, ĐẤT NƯỚC GIAI ĐOAN HIỆN NAY
Kỷ niệm 80 năm Ngày Nam Kỳ khởi nghĩa diễn ra vào thời
điểm toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta đang thi đua lập thành tích chào mừng
Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng; phát huy tinh thần và những bài
học kinh nghiệm của Cuộc khởi nghĩa đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới, các cấp, các ngành cần nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt
nhiệm vụ chính trị của đất nước, trọng tâm là:
- Tập trung xây dựng
Đảng vững mạnh toàn diện, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng,
nhất là không ngừng nâng cao trí tuệ, năng lực hoạch định đường lối, chủ
trương, chiến lược cách mạng khoa học và sáng tạo của Đảng, đáp ứng yêu cầu của
thực tiễn cách mạng giai đoạn đổi mới. Nghiên cứu, phân
tích, nhận định tình hình thế giới và trong nước, nắm chắc, tận dụng thời cơ
đưa đất nước vượt qua khó khăn, thách thức, thực hiện thắng lợi mục tiêu dân
giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
- Không ngừng xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thành nguồn sức mạnh và
động lực to lớn để tranh thủ thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thực hiện thắng lợi sự
nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đẩy mạnh tổ chức các phong trào
thi đua yêu nước gắn với thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương và cả nước trong từng thời kỳ nhằm tích cực phát huy
vai trò của quần chúng nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Tăng cường củng cố, xây dựng lực lượng quốc phòng - an
ninh vững chắc, trong đó, chú trọng xây dựng lực lượng vũ
trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, ưu tiên hiện
đại hóa một số quân chủng, binh chủng, lực lượng; đồng thời, chú trọng công tác
bảo vệ bí mật nhà nước, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn, vô
hiệu hóa các hoạt động phá hoại, đánh cắp thông tin, bí mật nhà nước của các thế
lực thù địch, phản động, gây nguy hại đến an ninh quốc gia.
- Nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ
chức đảng; đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối
sống, tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, chạy chức, chạy quyền; xây dựng đội
ngũ cán bộ, đảng viên trong tổ chức đảng thực sự tiên phong, gương mẫu, trước hết là người đứng đầu; làm cho nhân
dân tin yêu và gắn bó máu thịt với Đảng. Đồng thời, đẩy
mạnh phong trào tự soi, tự sửa theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
để nâng cao chuẩn mực đạo đức, ý thức trách nhiệm, tác phong công tác cho cán
bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ.
BAN
TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY
(Nguồn: Ban Tuyên giáo
Trung ương)