Có những sự kiện lịch sử, thời gian càng lùi xa, chúng ta càng thấy rõ tầm vóc lớn lao của nó. Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện như thế.
Cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền toàn quốc chỉ diễn ra trong vòng hai tuần lễ là kết thúc. Nhưng để có thắng lợi vĩ đại và nhanh chóng ấy, nhân dân ta đã phải trải qua gần một thế kỷ đấu tranh vô cùng gay go, gian khổ. Hàng vạn đồng bào và chiến sĩ cách mạng đã ngã xuống cho đất nước “nở hoa độc lập, kết quả tự do”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trong Cách mạng tháng Tám 1945 là một minh chứng sinh động về sự nhạy bén trong nhận định và chỉ đạo chớp thời cơ khởi nghĩa của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta.
Cách mạng tháng Tám đã nêu cao tinh thần quật khởi của dân tộc Việt Nam, một dân tộc có truyền thống lâu đời chiến đấu vì độc lập, tự do, quyết không chịu làm nô lệ - là kết quả của hơn 80 năm đấu tranh không ngừng của dân tộc Việt Nam chống thực dân Pháp, đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Đây là quá trình phát triển tất yếu của lịch sử dân tộc trải qua mấy nghìn năm phấn đấu, đỉnh cao của ý chí quật cường, sức mạnh cố kết cộng đồng, tầm cao trí tuệ của dân tộc hòa quyện với những tư tưởng của C.Mác, Ph.Ăngghen, V.Lênin, Hồ Chí Minh, với xu hướng của thời đại vì hòa bình, dân chủ và tiến bộ xã hội, vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Có thể khẳng định, thành công lớn nhất của nghệ thuật khởi nghĩa trong Cách mạng tháng Tám là Đảng ta đã chọn đúng thời cơ “nổ ra đúng lúc”. Với nhân tố chủ quan của cách mạng đã sẵn sàng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã chớp thời cơ “nghìn năm có một” phát động toàn dân đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền.
Lệnh tổng khởi nghĩa không thể đưa ra sớm hơn, nhưng cũng không thể muộn hơn, dù chỉ dăm ba ngày. Chỉ riêng việc tiên đoán đúng thời cơ, chớp thời cơ một cách tài tình, khôn khéo cũng đủ nói lên rằng, nhân tố chủ quan – sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, sự quyết tâm, sẵn sàng của nhân dân – có vai trò quyết định như thế nào đối với cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945.
Chúng ta hiểu rõ rằng, không một cuộc giải phóng nào có thể thành công nếu thiếu những điều kiện quốc tế khách quan nhất định. Mùa thu năm 1945, nhân dân ta chưa thể giành được chính quyền nếu không có thắng lợi chống phát xít của Liên Xô, các nước đồng minh và các dân tộc đấu tranh chống phát xít. Song, dân tộc ta không chờ đợi ai đó đến giải phóng cho mình. Đường lối cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng là “Đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám nói riêng, của cách mạng Việt Nam nói chung chứng minh con đường cứu nước, giải phóng dân tộc của Chủ tịch Hồ Chí Minh và của Đảng Cộng sản Việt Nam hoàn toàn đúng đắn.
Cách mạng tháng Tám đã chứng minh các chân lý lớn của cách mạng được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu lên trong các văn kiện của Hội nghị thành lập Đảng. Đó là: “Cách mạng trước hết phải có Đảng”, “Công nông là gốc cách mạng”; lực lượng cách mạng phải có khối đại đoàn kết toàn dân, trên nền tảng khối liên minh công nông vững chắc, cách mạng phải phát huy được lực lượng của toàn dân, của tất cả người dân Việt Nam có lòng yêu nước không phân biệt giàu nghèo, dân tộc, giai cấp, đoàn kết tất cả các lực lượng dân tộc, dân chủ vào trong mặt trận thống nhất do Đảng lãnh đạo. Đó là bài học lớn của Cách mạng tháng Tám, xuyên suốt quá trình cách mạng như sợi chỉ đỏ, là bài học về thời cơ cách mạng, là sự kết hợp đấu tranh dân tộc và đấu tranh giai cấp; là sự kết hợp đúng đắn hai nhiệm vụ chống đế quốc và chống phong kiến, trong đó chống đế quốc, giải phóng dân tộc là nhiệm vụ tối cao số một của cách mạng.
Đã 71 năm trôi qua nhưng bài học về nhận định thời cơ và chớp thời cơ cách mạng của Đảng trong Cách mạng tháng Tám 1945 vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Ngày nay, khi nhận định về thời cơ, chúng ta nhận thấy bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế đã có những thay đổi căn bản. Vấn đề hội nhập, toàn cầu hóa nổi lên như một xu thế vận động tất yếu của thế giới hiện đại, do đó yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng cũng phải được phân tích, đánh giá và nhận thức đúng đắn, phù hợp với quy luật phát triển của lịch sử.
Trong Cách mạng tháng Tám, Đảng ta đã thành công trong việc chỉ đạo xây dựng lực lượng, chủ động đón thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền; giờ đây với những điều kiện chủ quan và khách quan mới đang tạo ra thời cơ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Đảng ta cũng khẳng định, cách mạng nước ta đang đứng trước những thời cơ, vận hội mới thuận lợi chưa từng có, đó là chúng ta đang sống trong một thế giới hòa bình, ổn định, phát triển và hội nhập. Uy tín và vị thế của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Sau 71 năm Việt Nam đã có quan hệ thương mại với hơn 200 tổ chức quốc tế, quốc gia và vùng lãnh thổ; thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 180 nước, trong tổng số hơn 200 nước trên thế giới. Việt Nam đã đổi mới căn bản cả về thế và lực, đang đứng trước những cơ hội to lớn.
Để nắm bắt được thời cơ, chớp thời cơ trong thời đại phát triển như vũ bão của khoa học và công nghệ, thời đại văn minh tri thức, Đảng ta chỉ ra rằng, ngoài quyết tâm chính trị, yếu tố con người, nguồn lực con người có tri thức là yếu tố quyết định. “Phát huy nhân tố con người trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; tập trung xây dựng con người về đạo đức, nhân cách, lối sống, trí tuệ và năng lực làm việc” (một trong sáu nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XII). Do đó, nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có đủ đức - tài, có khả năng nắm bắt, đón đầu, làm chủ khoa học công nghệ, chính là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, bởi đó là sức mạnh nội lực to lớn của toàn dân tộc. Trên cơ sở phát huy nội lực, kết hợp nội lực với ngoại lực, tạo nên sức mạnh tổng hợp phát triển đất nước.
Cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, nhiều bước ngoặt lớn với những thử thách vô cùng to lớn. Nhưng dù ở giai đoạn nào, dù thử thách có to lớn đến đâu, nhưng Đảng và Nhà nước ta biết dựa vào nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, vì nhân dân mà phục vụ, mọi việc đều được nhân dân đồng tình, ủng hộ thì kẻ địch nào dù sừng sỏ, hùng mạnh đến đâu, khó khăn nào dù to lớn đến mấy, chúng ta cũng chiến thắng, cũng vượt qua và đưa đất nước phát triển.
Trước những thời cơ và thách thức của xu thế phát triển, với tinh thần, ý chí của Cách mạng tháng Tám, dưới sự lãnh đạo của Đảng, toàn dân, toàn quân ta quyết tâm vượt qua thách thức, phấn đấu thực hiện thành công công cuộc đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Đó chính là khí phách Việt Nam “ý chí Việt Nam” trong giai đoạn mới.
N.T (sưu tầm)