Bảo tồn và phát huy những giá trị bản sắc văn
hoá truyền thống của dân tộc luôn được các địa phương trong tỉnh đặc biệt quan
tâm. Cùng với việc khôi phục các lễ hội truyền thống, hơn 10 năm nay, đồng bào
dân tộc Chơro tại xã Xuân Thiện (H. Thống Nhất) đã kế thừa và duy trì nhạc loại
cụ cồng, chiêng của dân tộc mình, trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo trong
cộng đồng dân cư.
Năm 2010, Nhà văn hóa dân tộc Chơro tại xã
Xuân Thiện hoàn thành và đưa vào sử dụng. Sau khi có địa điểm để sinh hoạt văn
hóa, bà con nơi đây đều ý thức việc giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc
mình, trong đó có nhạc cụ cồng chiêng. Hơn 10 năm qua, anh Điểu Tám là người
tiên phong và truyền dạy lớp tập cồng chiêng cho thanh thiếu nhi trong cộng
đồng với mong muốn con cháu mình về sau ai cũng biết đánh cồng, chiêng. Anh Điểu
Tám-ấp Xuân Thiện xã Xuân Thiện cho biết: “Cái giai điệu cồng chiêng từ bé mình
đã nghe và thấm trong người, sau này thì các ông các cụ dần mất đi không còn ai
truyền dạy nữa. Từ năm 2010 thì tôi mới duy trì và mời các ông bà còn khỏe, còn
biết người ta truyền đạt lạo cho mình, từ đó tôi cũng truyền đạt lại cho thế hệ
trẻ được hai nhóm”.
Một buổi tập luyện cồng, chiêng của Đội cồng, chiêng xã Xuân Thiện
Sau một thời gian gắn bó tập luyện, chỉ bảo
lẫn nhau đến nay đồng bào Chơro ở xã Xuân Thiện đều duy trì 2 đội cồng chiêng
với hơn 10 thành viên/đội. Tại lễ hội Sayangva được tổ chức vào tháng 3 âm lịch
hàng năm, trong nghi thức cúng thần lúa thì cồng chiêng là một nhạc cụ không
thể thiếu. Đồng bào Chơro nơi đây quan niệm rằng, việc đánh cồng chiêng trong
các lễ hội truyền thống là sợi dây gắn kết giữa con người với thần linh.
Không chỉ phục vụ các lễ hội truyền thống tại
địa phương, Đội cồng, chiêng của đồng bào Chơro xã Xuân Thiện còn tích cực tham
gia các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa các dân tộc trong và ngoài tỉnh.
Mới đây, đội cồng chiêng xã Xuân Thiện là đơn vị đại diện cho đoàn Đồng Nai tham
dự Hội diễn Đàn, Hát dân ca ba miền diễn ra tại tỉnh Nghệ An do Cục Văn hóa cơ
sở-Bộ Văn hóa, Thể thao và Di lịch tổ chức và vinh dự được nhận giải huy chương
bạc. Ông Trần Duy Hậu-Phó chủ tịch UBND xã Xuân Thiện chia sẽ: “Thời gian tới
thì chúng tôi tiếp tục quan tâm, chỉ đạo cho Đội cồng chiêng này tập luyện tốt
hơn nữa để có dịp giao lưu ở các sân chơi tỉnh bạn cũng như các địa phương
khác”.
Toàn xã Xuân Thiện hiện có 440 hộ đồng bào
dân tộc Chơro với hơn 1,3 nghìn người. Trong những năm qua, đời sống vật chất,
tinh thần của bà con trong xã bừng bước được nâng lên. Việc kế thừa và duy trì
nhạc cụ cồng, chiêng của đồng bào Chơro không chỉ bảo tồn và phát huy giá trị
bản sắc văn hóa dân tộc mà trở thành nét sinh hoạt văn hóa độc đáo không phải
địa phương nào cũng có.
Nhật Quang