Ngang qua ngã ba Dầu Giây (huyện Thống Nhất) vào mùa cao
su thay lá, bạn sẽ bị mê hoặc ngay bởi không gian lung linh sắc vàng, sắc đỏ,
những hàng cây thẳng lối, con đường đất đỏ được uốn thành hình vòng cung như những
chiếc cổng chào mời kẻ lữ khách, đứng
check in và đăng tấm hình lên mạng xã hội sẽ nhiều người trầm trồ ngỡ rằng bạn
đang lạc vào nơi nào đó của xứ sở Kim Chi, hoặc là mùa thu vàng nơi trời Âu xa
xôi.
Thời điểm sáng sớm sẽ là lúc bạn có nhiều tấm hình ưng ý
nhất, những ánh nắng ban mai dịu ngọt xen qua từng kẽ lá, hàng cây. Cơn gió nhẹ
thổi qua xì xào, từng chiếc lá bay bay trong gió đáp xuống nên đất đỏ bazan, tiếng
bước chân xôn xao trên thảm lá vàng sẽ khiến lòng bạn trở nên dịu vợi, an yên,
thấy quê hương Thống Nhất đẹp vô ngần.
Và có điều khá thú vị bạn không nên bỏ qua đó là ghé thăm
vườn cao su 116 tuổi ở ngay trung tâm thị trấn Dầu Giây, để nghe những tiếng
gió rì rào kể chuyện xa xưa, để thấy vùng đất này đã có những bước chuyển mình
như nào và dấu vết, nhân chứng thời gian ở những cụ cây cao su vẫn vươn mình đứng
ngạo nghễ. Những cây cao khoảng 15 đến 20 m, thân cây to hai người ôm mới xuể,
vỏ ngoài sần sùi in hằn dấu vết của vô thường. Ngược dòng về quá khứ, năm 1901,
người Pháp thực hiện tuyến đường Sài Gòn-Phan Thiết ngang qua vùng đất còn
hoang sơ màu mỡ thuộc địa phẩn tình Đồng Nai, các kỹ sư và nhà thầu đã lập nên
trang trại cao su tại đây với 1.000 cây trồng. Theo dòng chảy của thời gian, vườn
cao su cổ xưa nằm giữa vùng hoang vắng, bên cạnh làng nhỏ của dân tộc thiểu số
đặt tên là Dầu Giây. Ban đầu vườn cao su được đặt tên theo tên gọi người con
gái của quản lý người Pháp là Suzanhah tên con gái của ông Cazeau, sau đó được
được người dân nơi đây gọi tên gọi vườn cao su Dầu Giây theo địa danh nơi đây.
Năm 1906, có khoảng 700 cao su đã được trồng trên diện
tích 8,02 ha ở Lộ 9, giống cây này người ta gọi là Seedling co nghĩa là “hạt giống
thập phương” từ các nước Srilanka, Malaysia, Indonexia mang về. Hiện nay vườn
cây cổ hiện còn 306 cây trong số khoảng 7000 cây thuộc thế hệ đầu tiên, một số
chỗ có cây đã được trồng sau và thay thế. Một số cụ cây đã không thể tồn tại
cùng năm tháng đã gục ngã sau những trận mưa và lốc xoáy, chỉ để lại gốc cây hằn
in sự tiếc nuối thời gian. Vườn cao su xếp hàng di tích lịch sử cấp tỉnh Đồng
Nai.
Nếu có dịp ngang qua Thị trấn Dầu Giây nhất định bạn nên
đến đây để cảm nhận dấu vết thời gian, nghe những câu truyện xa xưa để thêm yêu
vùng đất này.
Minh nguyên