Từng là nơi
dùng để trồng cao su thử nghiệm của người Pháp, hiện tỉnh Đồng Nai vẫn còn lưu
giữ vườn cây cổ thụ hơn 100 năm tuổi này.
Vào mùa cao
su rụng lá, du khách ngỡ ngàng khi ngước nhìn một màu vàng rực rỡ. Lúc này,
nắng như đang muốn trốn trên những tán cây đan xen, dưới chân là thảm lá dày.
Những cơn gió thổi qua, lá vàng bay rồi đáp xuống nền đất đỏ bazan như muốn kể
lại những câu chuyện xa xưa.
NHUỐM MÀU THỜI GIAN
Năm 1901, người Pháp bắt đầu
khởi công tuyến đường sắt Sài Gòn- Nha Trang, đến năm 1904, trong hành trình
của tiếng còi xe lửa hơi nước xập xình đi từ miền trung vào Sài Gòn. Đường sắt
"băng qua quãng đường rừng nhiệt đới", một khe núi nhỏ đã mở rộng,
tạo một nguồn nước trong tinh khiết và dồi dào, đã thu hút nhiều người dừng
chân ghé lại.
Chính Louis Cazeau - một chức
sắc tại Sài Gòn, cũng là giám đốc Công ty SGTVC nổi tiếng từng khai thác tuyến
xe lửa Sài Gòn - Mỹ Tho, đã được một số nhà tư bản nhượng quyền 3.500 ha ở gần
ga Dầu Giây, để thử nghiệm trồng cafe, ca cao, tiêu, đu đủ, măng cụt…
Các thử nghiệm đều không sinh
lời, và trang trại ở Dầu Giây mang tên con gái viên chủ tịch hội đồng quản trị
đất nhượng quyền Suzanne Cazeau. Lúc này, đồn điền Suzanne Cazeau bắt đầu trồng
thử nghiệm 700 cây cao su trên diện tích 8,02 ha. Giống cây cao su được trồng ở
đây được gọi là giống "Seedling" có nghĩa là hạt giống thập phương từ
các nước mang về.
"Tôi đã nghe được những
thông tin thú vị từ những vị cao niên đã sinh sống và gắn bó với mảnh đất Dầu
Giây cả một đời sương gió. Chúng tôi là người Quảng Trị, chính ông bà chúng tôi
là những mộ phu trồng cây cao su đầu tiên ở đồn điền này, nên dẫu có sinh ra và
lớn lên ở đây nguyên quán vẫn là dân Quảng Trị" - ông Hùng cười và nói khi
tôi hỏi quê của ông.
Theo ông Hùng, cụ thân sinh của
ông kể ngày xưa, khi mới khai thác mủ cao su, mấy ông chủ đồn điền bắt chước
cách làm của Malaysia cạo mủ hàng ngày, mở 5 đến 6 miệng cạo chồng chéo theo
kiểu xương cá trên một thân cây, nhưng cách làm đó khiến số cây cao su bị tổn
thương, rồi cây chết. Sau này, ông chủ đồn điền đã nhanh chóng đổi phương thức
chỉ mở miệng cạo duy nhất hàng ngày trên một nửa hoặc một phần ba cây cao su.
Đó chính là cách cạo mủ tồn tại từ thời đó cho đến nay.
Chỉ về phía sau lưng tôi, cô
Phương - chủ quán cà phê nơi ông Hùng và tôi trò chuyện- cười nói: "Trong
đó ngày xưa là nơi ở của ông chủ đồn điền cao su Suzanne Cazeau. Nay, bên trong
vẫn còn lại một số căn nhà xây theo kiểu Pháp nhìn cổ kính, rêu phong".
Khi chúng tôi đứng và ngắm thật
lâu những cụ cao su đã 117 tuổi thì thấy rõ những đường cạo của người phu cao
su năm nào vẫn còn hằn trên thân cây.
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN
Theo dòng
chảy thời gian, nhiều cây bị khô, trụi lá, mục rỗng bên trong và không còn sự
sống.
Đứng trước
nguy cơ bị mai một, năm 1980, lãnh đạo đơn vị quản lý vườn cao su đã có lệnh
ngưng khai thác mủ để chăm sóc bảo quản hiện trạng. Đến năm 1994, nông trường
cao su mớt bắt đầu dặm thêm một số cây cao su giống PB 235.
Đến năm
1998, Công ty cao su Đồng Nai đã tách 8,02 ha cao
su lô 9 làm vườn cao su bảo tồn và lập chốt bảo vệ và có chế độ theo dõi, chăm
sóc. Sau đó, tỉnh Đồng Nai lập lô 9 cao su này thành di tích cấp tỉnh vào năm
2009.
Năm 2015,
công ty cao su cũng cho phục dựng lại căn nhà của phu công tra ngay trong khu
bảo tồn. Nơi đây mô phỏng theo nguyên mẫu nhà cùng các vật dụng trong nhà được
trưng bày, tái hiện cảnh sinh hoạt hàng ngày của công nhân cao su thời xưa.
Vườn cổ thuộc thế hệ đầu tiên, những cụ cây
như minh chứng sống động cho giai đoạn lịch sử đầy bi tráng của những người phu
cao su như những hạt giống đỏ nảy mầm trong đau thương và uất hận dưới những
tán cây đang rì rào trong gió. Trăm năm, người trồng, cũng như những lớp người
chăm sóc cây lúc còn non nớt đã thành thiên cổ. Riêng cây, dù đã qua giai đoạn
trưởng thành và giờ già nua nhưng vẫn căng nhựa sống nhờ được bảo tồn và chăm
sóc chu đáo…
Hồng Thắm