Vấn
đề xây dựng chuỗi liên kết, đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp lâu nay
vẫn là bài toán khó, chưa có lời giải, khiến nông dân luôn bị rơi vào tình cảnh
được mùa thì mất giá, mà được giá thì mất mùa.
Trước
những khó khăn của bà con nông dân, Hội Nông dân huyện Thống Nhất đang nỗ lực kết
nối với một số doanh nghiệp để có thể thu mua sản phẩm nông nghiệp cho bà con
Nhà
bà Lê Thị Thu Trang ở ấp 2, xã Lộ 25 thuộc diện hộ nghèo, hoàn cảnh gia đình rất
khó khăn. Biết được hoàn cảnh của gia đình là thiếu vốn để đầu tư phát triển sản
xuất, năm 2022, Phòng
giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Thống Nhất đã giải ngân cho gia
đình vay số tiền 100 triệu đồng. Có vốn, gia đình bà đầu tư vào sản xuất rau
các loại. Năng suất, sản lượng rau gia đình làm ra đảm bảo, tuy nhiên giá cả
lên xuống bấp bênh, khiến gia đình gặp không ít khó khăn. Mong muốn của bà
Trang là sản phẩm rau của gia đình có được đầu ra ổn định, để gia đình có điều
kiện vươn lên thoát nghèo.
Đa số bà con nông dân còn sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để có thể tạo ra nguồn cung ổn định
Bà
Lê Thị Thu Trang, nông dân xã Lộ 25, huyện Thống Nhất bộc bạch: “Nhờ vay được
nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội mà gia đình em sản xuất được rau
lagim. Tuy nhiên giá cả hơi bấp bênh, em mong muốn làm sao có được đầu ra ổn định
để có tiền trả cho ngân hàng”.
Để hỗ
trợ bà con nông dân có thể liên kết sản xuất được với các doanh nghiệp, Hội
Nông dân huyện Thống Nhất đã liên hệ để kết nối doanh nghiệp và nông dân với
nhau. Mới đây nhất, Hội Nông dân huyện đã đưa Công ty trách nhiệm hữu hạn
thương mại-dịch vụ Xuân Điền ở TP.Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp chuyên thu mua
các sản phẩm rau, củ, quả, thịt gia súc, gia cầm…cung cấp cho các chuỗi cửa
hàng, siêu thị trên toàn quốc về khảo sát một số hộ sản xuất trên địa bàn huyện,
để có thể hợp đồng tiêu thụ sản phẩm cho bà con. Qua khảo sát, đại diện của
Công ty đánh giá, sản phẩm nông nghiệp của bà con nông dân cơ bản bảo đảm an
toàn để cung cấp cho Công ty, tuy nhiên vấn đề vướng mắc hiện nay là sản lượng
của từng loại rau có thể đáp ứng cho Công ty gặp khó khăn do bà con chủ yếu sản
xuất manh mún, nhỏ lẻ, chưa có sự liên kết để có thể tạo ra nguồn cung ổn định.
Bà Nguyễn
Thị Thanh Hương, đại diện Công ty TNHH TMDV Xuân Điền cho biết: “Cái khó khăn trong quá trình chúng
tôi làm việc với bà con nông dân là sàn xuất của bà con không có kế hoạch cụ thể,
bà con thì muốn trồng rau hàng loạt trên cùng một diện tích để tiện chăm sóc,
còn doanh nghiệp chúng tôi cần nguồn cung ổn định hàng ngày. Do vậy muốn doanh
nghiệp và bà con liên kết được với nhau thì bà con phải có kế hoạch sản xuất”.
Bên
cạnh đó, một trong những khó khăn nữa hiện nay là hầu hết các sản phẩm nông sản
sản xuất theo hướng hữu cơ, VietGap chưa cạnh tranh được trên thị trường. Bởi để làm ra sản phẩm nông sản
sạch đòi hỏi chi phí đầu tư chăm sóc cao, nhưng năng suất thấp, mẫu mã không được
đẹp. Trong khi đó, tâm lý hiện nay của đa số người tiêu dùng thường chọn những
nông sản có mẫu mã đẹp, giá thành thấp nên các sản phẩm nông sản sản xuất theo
hướng hữu cơ, VietGap không có chỗ đứng trên thị trường, dẫn đến bà con nông
dân chưa thực sự mặn mà theo hướng sản xuất này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, đại diện Công ty
TNHH TMDV Xuân Điền chia sẻ: “Tôi cũng là một trong những người tiêu dùng, tôi
cũng đã ăn những sản phẩm làm theo hướng hữu cơ. Những sản phẩm mà bà con làm
theo hướng hữu cơ, đúng quy chuẩn VietGap thì mẫu mã sẽ không bao giờ đẹp,
nhưng về chất lượng thì rất đảm bảo. Tôi mong rằng người tiêu dùng sẽ thật sự
là thông minh khi lựa chọn những sản phẩm đó, và đồng hành cùng nông dân. Nếu
như người tiêu dùng không đồng hành cùng nông dân thì sẽ không được sử dụng những
sản phẩm đảm bảo chất lượng”.
Hội Nông dân huyện Thống Nhất kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân với doanh nghiệp
Ông Nguyễn Thế Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân
huyện Thống Nhất cho biết:“Trong thời gian vừa qua thì Hội Nông dân huyện cũng
đã kêu gọi nhiều công ty để làm việc, tìm đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp giúp
bà con nông dân. Chúng tôi mong rằng sau các buổi làm việc với các công ty thì
bà con sẽ cố gằng ngồi lại để bàn bạc thống nhất kết nối với công ty, để sản phẩm
làm ra được ổn định, chất lượng đảm bảo an toàn và sản phẩm nông sản của mình
phát triển tốt hơn”.
Có thể nói, để sản phẩm nông nghiệp có được đầu
ra ổn định thì ngoài sự nỗ lực của cơ quan chức năng, bà con nông dân cũng cần
mạnh dạn thay đổi tư duy, nếp nghĩ, cách làm để có thể liên kết được với các
doanh nghiệp trong việc bao tiêu sản phẩm nông nghiệp.
Bên cạnh
đó, cũng cần sự chung tay của người tiêu dùng trong việc sáng suốt lựa chọn, sử
dụng những sản phẩm sạch có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chỉ có như vậy thì bà
con nông dân mới yên tâm sản xuất ra những sản phẩm đảm bảo chất lượng, an toàn,
góp phần bảo vệ sức khỏe của cộng đồng.
Tiến Thụ