Huyện Thống Nhất là vùng đất phát triển nông
nghiệp lâu đời. Đến đây mọi người sẽ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của làng hoa Bốt Đỏ ngày tết, những cánh đồng rau cần xanh miên
man, những khu vườn trĩu nặng chôm chôm, sầu riêng.... Nơi
đây cũng là nơi nhiều hợp tác xã đã được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả ngày từ những ngày đầu
khi nhà nước có chủ trương về thành lập hợp tác xã. Trong đó có Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ (Dốc
Mơ farm) được thành lập đã tạo nên những nét nổi bật, riêng biệt về ngành nông
nghiệp kết hợp du lịch sinh thái, quảng bá sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn
huyện.
Hợp tác xã Nông trại Dốc Mơ, thuộc xã Gia Tân
3, huyện Thống Nhất được thành lập tháng 05/2018 với diện tích khoảng 14ha,
với 09 thành viên. Hợp tác xã với mục tiêu, chiến lược kinh doanh chính là tham
quan và trải nghiệm, trong
đó chú trọng đến phát triển Nông nghiệp bền vững, chế biến nông sản và chia sẻ kinh nghiệm và lối
sống.
Anh Phạm Ngọc Thọ, chủ
cơ sở Dốc Mơ Farm với dự án
“Ngôi làng Dốc Mơ” muốn xây dựng
một “Ngôi Làng” thanh bình, tươi đẹp, có nét văn hoá xóm làng và trù phú trên nền
tảng Nông nghiệp bền vững, không hóa chất. Cư dân ở farm sống và làm việc chan hòa cùng nhau với
nguyên tắc tôn trọng thiên nhiên để phát triển bền vững. Với phương châm tự cung tự cấp toàn bộ thịt
cá, rau củ quả cho khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và mua về, nông trại đã xây
dựng mô hình vườn - ao - chuồng khép kín. Những ao sen xanh mát quanh năm không chỉ
tạo vẻ mỹ quan cho nông trại mà còn là nơi sinh sống của các loài tôm, cá, cung
cấp nguồn nước tưới tiêu cho vườn tược. Vườn rau quả không chỉ làm thực phẩm
cho người mà còn tận dụng phần rau dư thừa, giả, xấu để làm thức ăn cho cá,
tôm, heo, gà, vịt. Nguồn phân từ các loài gia súc, gia cầm này lại quay trở lại
làm dưỡng chất nuôi cây trái. Mô hình này đã tạo nên sự đa dạng nguồn thực phẩm,
đáp ứng nhu cầu về thức ăn sạch cho người tiêu dùng và du khách.
Ngoài mô hình khép kín vườn-ao- chuồng, nông trại còn đầu tư xưởng sơ chế, chế biến
tại chỗ và tổ chức các kênh phân phối thực phẩm sạch. Các loại siro đóng chai từ
trái cây, xúc xích, lạp xưởng, hoa quả sấy… được
chế biến, đóng gói, bảo quản theo quy trình và công nghệ hiện đại với thương hiệu
“Dốc Mơ Farm”, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Khách du lịch đến đây có thể
chọn mua sản phẩm nông sản sạch từ nguyên dược liệu dầu gội đầu thảo dược, đến
sản phẩm nông nghiệp của địa phương. Không
chỉ khát khao làm giàu cho bản thân, anh Thọ còn luôn ấp ủ khát vọng liên kết,
nhân rộng các mô hình nông nghiệp an toàn cho nhiều hộ nông dân trong vùng và sẵn
sàng bao tiêu sản phẩm cho nông dân, tạo nên chuỗi sản phẩm, đầu ra an toàn và
hiệu quả kinh tế cao. Anh Thọ trực tiếp đến từng hộ gia đình, tận tình hướng dẫn
cách trồng trọt, chăm sóc để đảm bảo cho ra nông nghiệp sạch tiêu chuẩn mà
doanh nghiệp thu mua yêu cầu.
Ông Ngô Thanh Tùng, Trưởng phòng Nông nghiệp
huyện Thống Nhất chia sẻ: “Hợp tác xã Dốc Mơ Farm hướng vào phát triển nông
nghiệp sạch, kết hợp nông nghiệp với du lịch và công nghiệp chế biến, tạo ra
chuỗi liên kết sản phẩm. Mô hình này đóng góp rất lớn vào phát triển nông nghiệp
của huyện nhà, đồng thời cũng góp phần vào việc giảm nghèo và giúp xã Gia Tân 3
hoàn thành bộ tiêu chí Nông thôn mới nâng cao”.
Ông Nguyễn Thế Vinh- Chủ tịch
Hội Nông dân huyện đánh giá cao mô hình này: “Làm nông nghiệp theo hướng thuận tự nhiên, không sử dụng
hóa chất là một quyết định liều lĩnh, nhưng nếu thành công thì giá trị của nó
không kể hết được. Một nền nông nghiệp phát triển theo chiều sâu là nền nông
nghiệp phát triển bền vững, gắn liền với bảo vệ môi trường. Ý niệm ấy những năm
qua “Dốc Mơ Farm” đã và đang thực hiện và đạt được thành tựu bước đầu, đã giải
quyết cho hơn 20 lao động địa phương với doanh thu có lợi nhuận và ngày một
tăng, năm 2022 doanh thu 1,7 tỷ đồng, lợi nhuận 73 triệu và năm 2023 doanh thu
2,5 tỷ đồng, lợi nhuận 150 triệu đồng. Góp phần tích cực trong quảng bá sản
phẩm nông nghiệp sạch của huyện Thống Nhất”.
Sự
thành công của dự án tạo “Cảm hứng” và có sự lan tỏa đến người trẻ và nông dân
quay về làm Nông Nghiệp “Tử Tế”. Nếu có dịp ngang qua huyện Thống Nhất, mời bạn
đến trải nghiệm ở Dốc Mơ Farm.
Minh Nguyên